Trang chủ » Tin tức

Nâng cao năng lực xử lý chất thải rắn tại Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WB, khoảng 83% chất thải thu gom được đưa đến các bãi chôn lấp và 17% đưa đến các cơ sở xử lý khác nhau (ủ phân compost, đốt rác).


I. Tình hình xây dựng và phát triển đô thị.
Tính đến 2015, cả nước có khoảng 787 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 16 đô thị loại I, 24 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và còn lại là đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng trên 37,5 %. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt 12%-15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực đô thị hằng năm đóng góp khoảng 70 - 75% GDP của Việt Nam. Ðô thị đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.


Ảnh minh họa.

II. Hiện trạng chất thải rắn và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam
1. Lượng chất thải rắn đô thị: 11,5 triệu tấn/năm (dự báo năm 2020 là 30 triệu tấn/năm; năm 2025 là 40 triệu tấn/năm);
2. Công nghệ xử lý: 03 công nghệ chủ yếu gồm chôn lấp; ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt (gần đây)
3. Hiện có khoảng 26 khu xử lý CTR, tập trung tại các đô thị lớn, tổng công suất thiết kế khoảng 5.000 tấn/ngày; Sản phẩm sau xử lý chủ yếu là mùn hữu cơ, nguyên liệu để sản xuất gạch block.
4. Có 660 bãi chôn lấp (quy mô trên 1ha) trong đó có 121 bãi hợp vệ sinh, còn lại không hợp vệ sinh…

III. Xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn.
1. Hiện trạng công nghệ và thiết bị nhập ngoại:
Theo tổng kết của Bộ khoa học và công nghệ 2015: Hiện nay có 07 quốc gia đã có công nghệ chuyển giao vào Việt Nam: Một số công nghệ, thiết bị nhập từ một số nước tiên tiến như Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Trung Quốc, … (chủ yếu là công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt (gần đây).


Ảnh minh họa.

2. Công nghệ phù hợp trong nước:
Hiện nay có 05 công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam đã được Bộ Xây dựng công nhận, gồm:
 - 02 Công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ (Seraphin và Ansinh-ASC);

 - 01 Công nghệ MBT-CD.08 (Tạo viên nhiên liệu RDF);

 - 02 Công nghệ đốt (Công nghệ ENVIC và BD-ANPHA).

Tuy nhiên hiện các công nghệ này đều không phát huy được hiệu quả xử lý.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới WB, khoảng 83% chất thải thu gom được đưa đến các bãi chôn lấp và 17% đưa đến các cơ sở xử lý khác nhau (ủ phân compost, đốt rác). Hiện nay có khoảng 105 đơn vị xử lý chất thải, bao gồm lò đốt công suất nhỏ (42%), nhà máy ủ phân compost (24%), cơ sở kết hợp ủ phân compost và lò đốt (24%) và các công nghệ khác (10%).

+ Toàn quốc có 69 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ (dưới 500kg/h), chủ yếu ở nông thôn, góp phần gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên từ cuối năm 2016 đến nay (tháng 10/2017) xu hướng phát triển công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước đều gia tăng cả về số lượng và công suất lò, để giảm diện tích bãi chôn lấp và đảm bảo vệ sinh môi trường hơn.

+ Công nghệ xử lý làm phân compost chủ yếu là công nghệ nước ngoài. Chất lượng và nhu cầu về phân compost gặp nhiều vấn đề vì người nông dân thích phân chuồng và chất thải nông nghiệp tự hủy hơn.

+ Công nghệ chuyển hóa rác thải thành năng lượng (WtE) tạo ra khí sinh học từ phân gia súc, nhưng từ chất thải sinh hoạt hữu cơ hiện mới đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ.

IV. Chôn lấp chất thải rắn
Hiện có 660 bãi chôn lấp ở ViệtNam, tiếp nhận 52.538 tấn rác thải hang ngày (83% của 85% trong số 74.469 tấn). Trong số 660 địa điểm xử lý chất thải này trên cả nước, chỉ có 30% được phân loại là bãi chôn lấp hợp lệ (bãi chôn lấp hợp vệ sinh đòi hỏi phải phủ kín rác thải hàng ngày, điều thường khó gặp ở Việt Nam). Các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng có các bãi chôn lấp lớn với diện tích tương ứng 85 ha và 130 ha. Chỉ có 9% bãi chôn lấp có cân trọng lượng, 36% có lớp lót đáy, hầu hết bãi chôn lấp không có máy ép, hệ thống thu gom khí gas, xử lý nước rác, hệ thống quan trắc môi trường và hạn chế về mặt quản lý, chủ yếu do thiếu kinh phí.


Ảnh minh họa.

V. Chi phí xử lý chất thải rắn
Chi phí cho công tác xử lý CTR sinh hoạt đô thị do các cơ quan địa phương chi trả vào khoảng từ 194.000 – 400.000 đồng/tấn (Nhà máy đốt rác Xuân Sơn, Hà Nội: 376.688 đồng/tấn; Nhà máy xử lý và chế biến rác Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh: 278.000 đ/tấn; Nhà máy xử lý rác thải thành phân vi sinh thành phố Rạch Giá, Kiên Giang: 318.000 đ/tấn; Nhà máy xử lý CTR Đồng Xoài, Bình Phước: 260.000 đ/tấn, Cà Mau: 312.000 đ/tấn, Nhà máy xử lý CTR Vân Phú, Phú Thọ: 194.000 đ/tấn, Nhà máy xử lý CTR Làng Man, Nam Định: 200.000 đ/tấn, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nam Bình Dương, Bình Dương: 331.000 đ/tấn …).

Chi phí thực tế mà nhà đầu tư phải chi cho công tác xử lý CTR sinh hoạt đô thị theo công nghệ sản xuất phân compost ở một số địa phương cao hơn mức chi phí mà cơ quan địa phương chi trả. Một số dự án có mức chi phí xử lý như: Bình Phước 350.000 đ/tấn, Bình Dương 512.000 đ/tấn…

VI. Nhận xét tổng quát.
Công nghệ xử lý CTR tại Việt Nam

Công nghệ nước ngoài:
 chưa phù hợp với tính chất CTR và CTR chưa được phân loại tại nguồn, thời tiết, dụng cụ thay thế, chi phí xử lý. Phần lớn chưa phát huy hiệu quả.

Công nghệ trong nước: Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định. Các công nghệ này chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm vừa triển khai hoạt động vừa hoàn thiện dây chuyền công nghệ nên chưa đồng bộ, nhiều thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, mẫu mã chưa đẹp, chất lượng chưa cao. Sản phẩm sản xuất từ CTR gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ


Ảnh minh họa.

Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư xử lý CTR đã có nhưng việc triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn, chậm sửa đổi bổ sung cho phù hợp, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, việc xã hội hóa còn thấp. Nhiều nơi các dự án đầu tư xây dựng triển khai còn chậm do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế do đây là loại hình dịch vụ công ích, hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác một số dự án đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhưng ngân sách của địa phương không đủ chi trả chi phí xử lý.

VII. Các giải pháp nâng cao năng lực xử lý đối với các bãi chôn lấp
Các bãi chôn lấp hiện có không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cơ bản và những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh cần được cải thiện. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có tổng cộng 660 bãi chôn lấp và trong đó 456 không hợp vệ sinh.

Giả sử mỗi bãi chôn lấp trung bình có bề mặt đổ thải là 7,5 ha, ước tính rằng sẽ cần tổng vốn đầu tư là 456 x 750,000 x 30 USD/m² = 1,0 tỷ USD. Chi phí/m² được tính dựa trên việc san lấp mặt bằng, lắp đặt lớp lót, lớp thoát nước và hệ thống thu nước rỉ, các thiết bị xử lý nước rỉ, thiết bị đầm nén…

Sau cải tạo, nâng cấp: việc đổ thải có thể tiếp tục thực hiện tại các bãi chôn lấp hiện có kết hợp đầu tư xây dựng công trình khai thác khí và phát điện.

Vẫn cần phải xây dựng thêm các bãi chôn lấp mới. Khả năng chôn lấp cần phải tăng từ 33.230 tấn/ngày vào năm 2015 lên 44.075 tấn/ngày vào năm 2025 và như vậy trong giai đoạn 2015-2025, năng suất bãi chôn lấp cần tăng thêm (44.075-33.230)/2 x 365 ngày x 10 năm = 20 triệu tấn hoặc khoản đầu tư khoảng 160 triệu USD.

VIII. Giải pháp tổng thể nâng cao năng lực xử lý và chiến lược xử lý đến năm 2025
+ Chuyển đổi từ đổ thải sang xử lý có thu hồi sản phẩm

+ Tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước:

+ Đầu tư các nhà máy đốt rác thải sinh hoạt kết hợp thu hồi năng lượng với công suất lớn.

+ Đầu tư các nhà máy xử lý phân bùn kết hợp rác thải hữu cơ tạo khí sinh học (Biogas) với công suất lớn./.
                     
             Nguyễn Văn Hòa, 
Phó Chủ tịch TT, Hiệp hội Môi trường Đô thị và KCN Việt Nam (VUREIA)
                                                             (Theo moitruongvadothi.vn) 

Các bản tin khác :