Trang chủ » Tin tức

Thắt chặt quy chuẩn về chất thải nguy hại

Hiện nay, Bộ TN&MT đang rà soát, sửa đổi các quy chuẩn về quản lý chất thải nguy hại (CTNH) nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế.


Quy chuẩn không còn phù hợp
Theo báo cáo của các địa phương, lượng CTNH phát sinh trong cả nước khoảng 800 nghìn tấn/năm CTNH này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và không bao gồm CTNH phát sinh từ các hộ gia đình). Trước sự gia tăng nhanh chóng của chất thải, công tác quản lý, xử lý trong thời gian qua ở nước ta vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường. Hiện, cả nước có 83 doanh nghiệp, với 56 đại lý thu gom rác có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên được Bộ TN&MT cấp phép; khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động.


Bãi chôn lấp chất thải nguy hại.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), hiện, các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp để xử lý chất thải. Trong đó, có tới 85% - 90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các công nghệ xử lý rác của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam cho thấy, phần lớn đều không hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù rác thải phức tạp, chưa phân loại đầu nguồn.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý về CTNH, Bộ TN&MT đã xây dựng các quy chuẩn quốc gia đối với từng công nghệ xử lý, tái chế CTNH. Cụ thể là quy chuẩn Việt Nam (QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại). Tuy vậy, theo đánh giá QCVN này không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường thời gian qua. Trong khi đó, ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp coi thường pháp luật khi cố tình đổ trộm phế thải có chứa chất thải nguy hại ra ngoài môi trường. Điển hình là vụ việc Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chôn lấp chất thải trái phép (tại đồi Con Trò, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh và Công viên Xanh, Bãi rác Kỳ Tân).


Chất thải nguy hại. Ảnh minh họa.

Phải lấy mẫu 9 lần để kiểm chứng
Từ những bất cập đang diễn ra, hiện nay, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường đã xây dựng dự thảo QCVN về bãi chôn lấp CTNH phù hợp với TCXDVN 320:2004 của Bộ Xây dựng về bãi chôn lấp chất thải nguy hại - tiêu chuẩn thiết kế. Một số điểm mới được chỉ ra như: Xác định thành phần nguy hại đặc biệt không còn ngưỡng hàm lượng tuyệt đối nhỏ hơn hoặc bằng 100 ppm; việc phân định chất thải chỉ tiến hành một lần trong quá trình sản xuất trừ trường hợp có sự thay đổi về công nghệ xử lý, quy trình sản xuất hoặc nguồn nguyên liệu đầu vào liên quan đến quá trình phát sinh loại CTNH; đối với việc phân định chung một dòng chất thải phát sinh thường xuyên từ một nguồn thải nhất định có phải là CTNH hay không thì phải lấy mẫu, số lượng mẫu tối thiểu cần lấy là 09 mẫu vào 03 ngày khác nhau ở các vị trí khác nhau;…


Chất thải điện tử. Ảnh minh họa

Theo đó, QCVN này sẽ đưa ra một số nội dung như: yêu cầu chung đối với bãi chôn lấp CTNH, trước khi chôn lấp phải được tiền xử lý bằng những kỹ thuật phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa thể tích CTNH được chôn lấp; địa điểm bãi chôn lấp phải đủ diện tích, thể tích đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong 15 - 20 năm; nồng độ tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải của bãi chôn lấp CTNH phải đảm bảo yêu cầu trong QCVN này và quy định của QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp nhưng không áp dụng Kq và Kf để tính giá trị tối đa các thông số ô nhiễm; quy định về vận hành, quan trắc và giám sát; quy định về đóng bãi chôn lấp CTNH;…

Chia sẻ về việc rà soát, sửa đổi các quy định trong quản lý ngưỡng CTNH một số chuyên gia đánh giá cao việc xây dựng và sửa đổi các QCVN đối với CTNH là việc làm hết sức cần thiết đáp ứng các yêu cầu cũng như phù hợp với tình hình phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay. Tuy vậy, trong dự thảo các QCVN này, các chuyên gia cho rằng, các thuật ngữ cần được giải thích rõ ràng hơn; nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế để có thể điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí trong các QCVN này; nghiên cứu các phương pháp phân tích, lấy mẫu tiết kiệm, hài hòa với phát triển kinh tế và đảm bảo bãi chôn lấp CTNH không gây ảnh hưởng đến môi trường;…

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, đối với  việc xây dựng dự thảo QCVN về bãi chôn lấp và ngưỡng CTNH cần phản ánh được quan điểm không phát triển các bãi chôn lấp tràn lan. Đồng thời, phải cập nhật liên tục các quy định về quản lý CTNH của quốc tế để góp phần quản lý chặt chẽ loại hình chất thải đặc biệt này.

                                                                           THÁI BÌNH (Theo Báo Tài nguyên và Môi trường) 

 

Các bản tin khác :